Thủ tục thuế hết thời hành dân và doanh nghiệp

đăng 19:54 21 thg 4, 2010 bởi Hóa đơn điện tử TCT Invoice
Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang gấp rút công bố kết quả rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính hành dân của đơn vị mình.
Lĩnh vực thuế là một trong những lĩnh vực cắt giảm thủ tục hành chính mạnh nhất. Trong ảnh: Người dân đang kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD 

Bộ Tài chính cũng vừa công bố kết quả rà soát và những kiến nghị xử lý đối với những thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế vốn thường bị người dân và doanh nghiệp kêu ca lâu nay. Ba nhóm thủ tục được đẩy mạnh đơn giản hóa là thủ tục hóa đơn, thủ tục kê khai thuế và thủ tục nộp thuế.

Ông Nguyễn Đức Chi, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện Đề án 30 (Bộ Tài chính), cho biết trong số 840 thủ tục rà soát, Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi, cắt giảm 480 thủ tục hành chính (TTHC), kiến nghị thay thế, hủy bỏ 30 TTHC. Trong đó, lĩnh vực thuế được cắt giảm mạnh nhất với 256/330 thủ tục, tương đương với giảm chi phí 530 tỉ đồng/năm, hải quan là 179/239 thủ tục, giảm 187 tỉ đồng. Bộ Tài chính cho biết: TTHC được cắt giảm nhờ giảm bớt thời gian thực hiện, cắt giảm một số giấy tờ, đồng thời thay đổi phương thức thực hiện từ thủ công sang điện tử.

Doanh nghiệp tự in hóa đơn

Một đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết: Một trong ba nhóm thủ tục ngành tài chính đẩy mạnh đơn giản hóa là nhóm thủ tục hóa đơn. Cụ thể là sẽ sửa đổi Nghị định 85 về in và sử dụng hóa đơn theo hướng: Doanh nghiệp (DN) sẽ tự in và tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng hóa đơn. Làm được như vậy, DN sẽ chấm dứt cảnh phải khổ sở vì hằng tháng phải đi mua hóa đơn.

“Hiện nay, cứ ngày 20 hằng tháng, bộ phận kế toán của DN rất khổ vì phải xếp hàng để mua hóa đơn, rồi nộp hóa đơn, gây rất nhiều phiền toái cho DN. Do vậy, liên quan đến hóa đơn, chỉ cần bỏ một thủ tục báo cáo thanh, quyết toán sử dụng hóa đơn năm sẽ tiết kiệm được 6,8 tỉ đồng mỗi năm. Thực tế, thủ tục này là thừa vì đã có báo cáo hằng tháng rồi” - vị lãnh đạo trên cho hay.

Bộ Tài chính cũng đưa nhóm thủ tục khai thuế vào tầm ngắm để sửa đổi bằng việc đẩy mạnh hiện đại hóa bằng khai thuế qua mạng. Công tác kê khai thuế trực tiếp tại cơ quan thuế hiện tại đang ngốn rất nhiều thời gian của các DN. Theo quy định, tháng nào DN cũng phải kê khai thuế VAT, rồi ba tháng một lần khai thuế thu nhập DN. Chỉ nói riêng TP Hà Nội với 7.000 DN, để khai thuế đúng hạn mất rất nhiều thời gian. Hằng tháng, DN ở huyện Sóc Sơn, Gia Lâm… phải về trung tâm Hà Nội cách khoảng 30 km để khai thuế, đi đứt ít nhất một ngày. Bao nhiêu DN là bấy nhiêu ngày bị lãng phí. Do vậy, kê khai thuế qua mạng sẽ giảm chi phí cho DN rất nhiều. Trong năm nay, ngành thuế cũng đặt mục tiêu phấn đấu 60% DN ở Hà Nội, TP.HCM thực hiện kê khai thuế qua mạng.

Không phải chầu chực nộp thuế

Theo Bộ Tài chính, nhóm thủ tục thứ ba được tiến hành đơn giản hóa là thủ tục nộp thuế thông qua việc kết nối thông tin giữa kho bạc, cơ quan thuế và ngân hàng. Ý nghĩa của việc này là người dân không phải đến xếp hàng chầu chực nộp tiền thuế tại cơ quan thuế nữa mà có thể nộp qua tin nhắn của điện thoại, qua tài khoản ngân hàng thương mại.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nói rõ: Trước đây, việc cán bộ thuế đến từng hộ thu thuế đã xảy ra nhiều tiêu cực. Ngay cả khi cơ quan thuế đến từng hộ để thông báo tiền thuế cũng không giải quyết được những phiền toái cho hộ kinh doanh. Đơn cử hơn 3.000 tiểu thương tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hay hàng ngàn hộ kinh doanh ở chợ Bến Thành (TP.HCM) thường phải bỏ một buổi chợ để đi nộp thuế. Do vậy, khi cơ quan thuế, ngân hàng và kho bạc liên thông, người dân có tài khoản ở ngân hàng thì họ có thể ủy quyền cho ngân hàng đó nộp thuế cho họ. Người dân cũng được lợi vì không mất thời gian đi nộp thuế, còn ngân hàng thì họ có thể tạm sử dụng số dư trên tài khoản để kinh doanh.

Sửa hàng chục văn bản pháp luật

Theo Bộ Tài chính, ngay sau khi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua, dự kiến cần phải sửa đổi, bổ sung 40 thông tư, quyết định của ngành tài chính. Đồng thời, bốn nghị định của Chính phủ cũng phải được sửa đổi, bổ sung để các thủ tục sớm đi vào cuộc sống, góp phần tăng cường tính minh bạch, công khai và tạo thuận lợi đối với người dân và doanh nghiệp.

Theo Lê Thanh/PLO