Vụ một người lập 37 Doanh nghiệp trong hơn 1 tháng:
TT - Sau khi Tuổi Trẻ phản ánh hiện tượng ông Võ Văn Vi (31 tuổi) trong hơn một tháng lập 37 doanh nghiệp (DN), với tổng số vốn đăng ký các DN lên đến 6.606 tỉ đồng, rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm hậu kiểm vốn của cơ quan cấp đăng ký kinh doanh.
>> Một người lập 37 DN trong hơn một tháng Nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề về việc phải có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường, thay vì đợi DN sai phạm rồi mới đi kiểm tra. Thoải mái đăng ký vốn
Làm sao để xác định số vốn này có thực hay không? Theo đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM, tối đa 90 ngày kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, DN mới phải thực hiện việc góp vốn và gửi thông báo đến Sở KH- ĐT. Tuy nhiên theo quy định hiện hành, DN không cần chứng minh việc góp vốn mà theo cơ chế tự khai tự chịu trách nhiệm. Theo luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, lợi dụng sự thông thoáng này, nhiều cá nhân cứ thoải mái đăng ký vốn điều lệ “khủng” còn chuyện có góp vốn hay không thì không ai biết. Đăng ký vốn lớn, DN sẽ có lợi khi tham gia đấu thầu các dự án lớn cũng như thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các đối tác hợp tác làm ăn. Ngược lại, nhiều công ty TNHH chỉ đăng ký vốn điều lệ 10 triệu đồng. Với giấy phép, con dấu trong tay công ty thoải mái ký kết các hợp đồng lớn, đến khi xảy ra chuyện đổ bể thì cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ đã đăng ký. Lãnh hậu quả là những người làm ăn chân chính. Trong khi đó, dữ liệu cơ quan thuế nhận được từ Sở KH-ĐT lại không đầy đủ, không có thông tin về thành viên góp vốn do vậy rất khó theo dõi, giám sát. Mặt khác, theo quy định hiện nay, nếu ba tháng liên tiếp mà DN không nộp báo cáo thì cơ quan thuế mới tiến hành kiểm tra xem DN còn hay “mất tích”. Khi đó, nếu trường hợp có ý đồ lừa đảo thì khi cơ quan thuế đến DN đã “cao chạy xa bay”. Phải làm rõ động cơ Luật sư Trần Hữu Huỳnh, trưởng phòng pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cho rằng khâu hậu kiểm, đặc biệt là hậu kiểm về vốn, rất quan trọng. Đối với những DN có dấu hiệu bất thường như dồn dập thành lập hàng loạt công ty trong thời gian ngắn, dù chưa có dấu hiệu vi phạm cũng nên có cơ chế cho phép kiểm tra đột xuất. Theo ông Huỳnh, ngoài việc công khai thông tin DN đã đăng ký, các cơ quan ban ngành liên quan cũng cần có sự liên thông chặt chẽ về dữ liệu thông tin ở cấp quốc gia để các địa phương giám sát chéo, tránh trường hợp DN “chạy” đi “mọc mới” ở các tỉnh hoặc lừa đảo trốn thuế giá trị gia tăng. Ông Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng dù luật cho phép một cá nhân có thể thành lập nhiều DN, “nhưng với trường hợp lập quá nhiều DN như ông Vi, e rằng có gì đó không ổn”. Bởi càng nhiều DN thành lập thì người sáng lập phải chứng tỏ được năng lực điều hành quản lý của mình. “Tôi cam đoan không một ai có thể làm tròn vai hoặc trách nhiệm quản trị của mình cho từng ấy DN”, ông Thiên khẳng định. Ông Thiên cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ vì sao ông Vi lại thành lập quá nhiều DN như vậy. Chưa kể với số lượng DN thành lập “khủng” nói trên sẽ kéo theo số vốn đăng ký khổng lồ. Ông Thiên cũng lưu ý cơ quan chức năng cần làm rõ quá trình thực hiện vốn góp của DN nhằm tránh tình trạng kê khai vốn ảo. Nói về trường hợp của ông Võ Văn Vi, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng các cơ quan quản lý cần xem xét một cách thấu đáo. Theo bà Lan, dù có tạo thông thoáng cho DN thành lập đến mức nào cũng không có nghĩa là buông hết mọi quản lý nhà nước để tạo kẽ hở cho những đối tượng lừa đảo lợi dụng. Trường hợp phát hiện lỗ hổng, cần khắc phục nhanh chóng nhằm tránh gây ra những mối nguy hại tiềm ẩn cho xã hội.
ÁNH HỒNG - TRẦN VŨ NGHI |
Tin Tức & Sự Kiện > >>Tin tức >