Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng 6.000 doanh nghiệp (DN), nhưng mới chỉ có 344 DN thành lập tổ chức công đoàn (CĐ) cơ sở. Phần lớn chủ sử dụng lao động né tránh vì cho rằng, thành lập tổ chức CĐ là tự nguyện… Nhiều cách “né”
Theo bà Nguyễn Thị Biên, Chủ tịch CĐ các Khu công nghiệp - Khu kinh tế
tỉnh, khó khăn lớn nhất trong việc thành lập CĐ cơ sở là nhiều chủ DN
chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của tổ chức CĐ đối với sự phát triển
của đơn vị. Họ cho rằng, việc thành lập tổ chức CĐ sẽ làm mất thời
gian, tốn nhân lực, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tốn tiền vì phải
đóng kinh phí CĐ 2% từ quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Chính vì
vậy, khi các ngành chức năng tuyên truyền, vận động, nhiều DN đưa ra
những lý do như: lao động không ổn định, hoạt động kinh doanh gặp khó
khăn hoặc không có người đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm CĐ... nhằm
cố tình kéo dài thời gian hoặc né tránh thành lập tổ chức CĐ ở đơn vị
mình. Trong khi chủ DN luôn tìm cách né tránh thì chính quyền các cấp và ngành chức năng lại chưa có biện pháp chế tài hiệu quả. Vì vậy, người chịu thiệt thòi nhất chính là công nhân.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, khi DN chưa thành lập tổ chức CĐ thì quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Mọi tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thiết thực về chế độ tiền lương, thưởng, sức khỏe, điều kiện làm việc... của NLĐ không được đảm bảo. Bên cạnh đó, NLĐ ít được tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời không được tham gia các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí do CĐ tổ chức. Đặc biệt, NLĐ sẽ không tiếp cận được sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ đóng góp do CĐ vận động như: Mái ấm CĐ, đoàn kết tương trợ, thăm hỏi, tặng quà khi công nhân bị ốm đau, hoạn nạn, hiếu hỷ... Theo bà Nguyễn Thị Biên, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể cần tích cực tuyên truyền và yêu cầu DN thực hiện đúng Bộ Luật Lao động và Luật CĐ năm 2012; đồng thời phải đưa ra những giải pháp khả thi để yêu cầu chủ các DN thành lập và tạo điều kiện cho tổ chức CĐ hoạt động. Bên cạnh đó, các cấp CĐ trong tỉnh cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp tốt trong việc điều tra, khảo sát về số lượng công nhân, số lượng DN; đặc biệt, phải xây dựng được quy chế phối hợp nhằm phát huy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cùng góp sức trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ. Quan trọng hơn, phải duy trì, đổi mới phương pháp hoạt động để các tổ chức CĐ tại DN thực sự phát huy hiệu quả. Đây là giải pháp thuyết phục nhất để thu hút nhiều DN tham gia thành lập CĐ. Ngoài ra, cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các DN không thành lập tổ chức CĐ theo quy định. Bản thân NLĐ cần phải nắm bắt một cách đầy đủ về Luật CĐ để có hiểu biết, đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Có như vậy, quyền lợi hợp pháp của NLĐ tại các DN mới được đảm bảo.
|
Tin Tức & Sự Kiện > >>Tin tức >