“Việc đơn giản hóa 258 trên tổng số 5.500 thủ tục
hành chính (TTHC) hiện hành có thể nói là một bước đột phá mạnh mẽ
trong khâu cải cách TTHC liên quan sát sườn đến quyền và lợi ích của
nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp”. Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Nội
vụ Nguyễn Tiến Dĩnh về Nghị quyết 25 của Chính phủ.
Giảm nhiều thủ tục thuế, hải quan Kết thúc giai đoạn 2 thực hiện Đề án 30 về cải cách TTHC, ngày 2-6-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ- CP về việc đơn giản hóa 258 TTHC thuộc phạm vi chức năng, các bộ, ngành. Nhìn một cách tổng thể, trong số 258 TTHC cần đơn giản hóa của 17 bộ, ngành có trên 90% thủ tục, quy định (nghị định, quyết định, thông tư) liên quan đến môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường với 22 TTHC (chủ yếu liên quan đến đăng ký đất đai, khai thác khoáng sản) và Bộ Tài chính với 61 TTHC (41 thủ tục thuộc lĩnh vực hải quan và 20 thủ tục thuộc lĩnh vực thuế). Điểm đáng chú ý đối với lĩnh vực thuế và hải quan, hai lĩnh vực được các doanh nghiệp “kêu” là phiền toái nhất mỗi khi đụng đến, theo phương án đơn giản hóa các TTHC rà soát ưu tiên thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính, đó là: Sẽ bãi bỏ một số TTHC như cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan. Đồng thời, rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa đưa ra kho CFS, thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào kho CFS xuống còn 8 giờ. Riêng về lĩnh vực thuế, chủ yếu liên quan đến các thủ tục in, khai, mua hóa đơn, nộp và hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5, thì việc đơn giản hóa các TTHC nói trên sẽ góp phần rút ngắn thời gian, hạn chế phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ những vướng mắc, trở ngại mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Đặc biệt, thông qua việc đơn giản hóa 258 TTHC sẽ tiết giảm được ít nhất 5.700 tỉ đồng/năm.Trao đổi với TBKTSG bên lề kỳ họp thứ 7 của Quốc hội về vấn đề đơn giản hóa TTHC, đại biểu Phạm Thị Loan - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Á, cho rằng biến việc cắt giảm theo mệnh lệnh hành chính các thủ tục trên thành hành động cụ thể của mỗi bộ, ngành ra sao mới là quan trọng. Và giới doanh nghiệp đang chờ đợi những hành động cụ thể này. Phải chờ trong bao lâu? Theo Tổ công tác Đề án 30, để có thể đơn giản hóa số thủ tục hành chính trên, các bộ, ngành phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi 14 luật, 3 pháp lệnh, 41 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng và ban hành theo thẩm quyền để sửa đổi 60 thông tư, 40 quyết định của bộ trưởng các bộ quản lý ngành. Đối với các phương án đơn giản hóa TTHC không liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung luật, pháp lệnh, trước ngày 31-7-2010 Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các TTHC. Bộ Tư pháp sẽ chủ trì việc tổng hợp dự án luật, pháp lệnh do các bộ, ngành gửi đến để xây dựng văn bản chung, trình Chính phủ thông qua trước ngày 31-12-2010 dưới hình thức một luật sửa nhiều luật, một pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh. Đồng thời, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ trước ngày 30-10-2010, Bộ trưởng Tư pháp sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ cho phép bổ sung dự án luật, pháp lệnh theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện phương án đơn giản hóa TTHC đã được Chính phủ thông qua vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng việc sửa đổi, bổ sung một hệ thống văn bản luật đồ sộ như vậy khó có thể hoàn thành trong một thời gian ngắn. Chỉ việc đơn giản hóa 61 TTHC của Bộ Tài chính đã phải tiến hành sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2006 và xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cùng rất nhiều nghị định, thông tư. Sửa nghị định thì không mấy phức tạp, song sửa luật thì phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc trong trường hợp cấp thiết là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đặt trong bối cảnh hiện nay, mỗi năm Quốc hội phải xem xét, cho ý kiến và thông qua rất nhiều dự án luật thì việc các dự án luật cần sửa đổi mà Chính phủ trình lên có lẽ sẽ khó được cho ý kiến, góp ý, thông qua hết trong năm 2011 tới. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng việc đơn giản hóa TTHC thuộc Đề án 30 chỉ là một trong số các nội dung về cải cách tổng thể nền hành chính nước nhà trong vòng 10 năm. Theo ông, “để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, để cộng đồng doanh nghiệp có môi trường làm ăn thông thoáng, không sách nhiễu, việc đã, đang và sẽ làm là tiếp tục cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính; trong đó cải cách yếu tố con người được xác định là trung tâm”.
Theo Lê Hà/TBKTSG |
Tin Tức & Sự Kiện > >>Tin tức >